Thị trường bất động sản đắc lợi khi Quốc Cường Gia Lai thua kiện

Tin tức thị trường

2018-04-09 01:35:25

 

CafeLand - Sự việc Quốc Cường Gia Lai thua kiện đã gây được sự chú ý cho dư luận trong những ngày qua. Nó tạo ra một tiền lệ cho thấy những người mua nhà vốn “thấp cổ bé họng” và ít hiểu biết về pháp luật có thể thắng kiện những đại gia bất động sản. Tuy nhiên, đây cũng chính là bài học cho các doanh nghiệp bất động xưa này vốn không “thượng tôn pháp luật” và cũng là bài học cho những nhà đầu tư vốn chưa quan tâm đúng mức tới các vấn đề pháp lý.

Việc một đại gia bất động sản thua kiện có thể là một cú hích mới đối với thị trường bất động sản. Ảnh: N.Khôi

Câu chuyện con cổ tích “con kiến kiện củ khoai” thời nay?

Ngày 17/06 vừa qua, TAND quận 3 (TP.HCM) đã tuyên buộc Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (chủ căn hộ A1507, chung cư Quốc Cường Gia Lai, quận 7) số tiền 258 triệu đồng.

Câu chuyện kiện cáo này về bản chất là vụ tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư vốn thường diễn ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ở TP.HCM được tòa án phán quyết và quyền lợi của khách hàng được bảo vệ. Đặc biệt, việc khách hàng thắng kiện dường như nằm ngoài dự liệu của Công ty Quốc Cường và các luật sư của họ.

Trước đó, được biết 24 chủ căn hộ tại Quốc Cường Gia Lai đã khiếu nại và đề nghị Quốc Cường trả tiền phạt giao chậm nhà theo như hợp đồng đã ký kết hai bên, bồi thường do thi công nội thất không đúng như các điều khoản trong hợp đồng hai bên đã ký kết và hoàn lại thuế VAT của phần đất chung đã thu sai. Tổng số tiền các chủ căn hộ này đòi bồi thường hơn 10 tỷ đồng.

Đầu năm 2011, một số chủ căn hộ đã làm đơn bãi nại sau khi Công ty Quốc Cường chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn 5 hộ tiếp tục theo đuổi vụ kiện nhưng sau đó Công ty đã hòa giải được 4 hộ còn lại cư dân Nguyễn Thị Bích Ngọc, Công ty Quốc Cường không chịu đền bù. Giám đốc Công ty Quốc Cường cho rằng bà Ngọc nhận được nhà từ việc chuyển nhượng qua nhiều người. Ngoài ra, bà Ngọc biết chắc công ty không thể giao nhà như đúng hẹn theo hợp đồng là vào tháng 7/2009. Trong khi đó, Công ty Quốc Cường đã ký kết hợp đồng với bà Ngọc vào ngày 1/2/2010, tức đã trễ hạn thời gian bàn giao nhà.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì người mua nhà theo trong hợp đồng mua sau sẽ được hưởng mọi quyền lời và nghĩa vụ liên quan theo đúng hợp đồng mà người mua nhà trước đã ký với chủ đầu tư trước đó trừ trường hợp hai bên thống nhất các thỏa thuận khác. Vì vậy, tòa án đã bác bỏ lập luận của Công ty Quốc Cường và yêu cầu Công ty này bồi thường cho bà Ngọc theo đúng hợp đồng.

Như vậy, kết quả cuối cùng được xem là có hậu cho những người mua nhà. Kết quả này chắc chắn được nhiều người dân hân hoan vì trước đó họ thường bị chủ đầu tư “qua mặt”. Việc thắng kiện của bà Ngọc là một tiền lệ giúp người mùa nhà có thể cất lên tiếng nói của mình.

Bài học cho chủ đầu tư và người mua nhà

Trong giai đoạn khó khăn của bất động sản việc các chủ đầu tư bàn giao chậm nhà hoặc xây nhà không đảm bảo chất lượng không còn là hiếm. Tranh chấp giữa người mùa nhà ngày một diễn ra thường xuyên. Thậm chí người mua nhà đã lập thành hội để biểu tình, khiếu kiện tập thể đối với chủ đầu tư.

Vào cuối tháng 5/2013, Tập đoàn Nam Cường chậm bàn giao căn hộ tại dự án Dương Nội và bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện. Hay việc khách hàng của Sông Đà Thăng Long cũng phải đau xót khi dự án USilk City sắp đến hạn giao nhà mà vẫn còn “đắp chiếu”. Ngay cả đối với căn hộ cao cấp tại dự án Rivera Piont ở quận 7 cũng cùng chung số phận.

Trong phần lớn trường hợp phần thiệt thòi vẫn thuộc về người mua nhà. Nguyên nhân là người mua nhà thường mua nhà bằng hợp đồng góp vốn nên không thể phạt được chủ đầu tư. Bên cạnh đó, do không xem xét kỹ hợp đồng và thiếu hiểu biết pháp luật nên bị chủ đầu tư “cài” do vậy vẫn không thể kiện được chủ đầu tư khi họ có sai phạm. Ngoài ra, đa phần người mua nhà chưa có thói quen đưa việc vi phạm hợp đồng của chủ đầu tư ra tòa.

Điều này cho thấy bài học lớn đối với người mua nhà là cần phải xem xét kỹ hợp đồng mua bán. Thậm chí phải thuê các công ty tư vấn luật để xem xét hợp đồng một cách kỹ lưỡng để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đối với chủ đầu tư thì cần phải học bài học “tôn trọng” khách hàng hơn. Những việc làm ăn gian dối, xây nhà kém chất lượng, bàn giao chậm có thể bị trừng phạt.

Như vậy, việc một đại gia bất động sản thua kiện có thể là một cú hích mới đối với thị trường bất động sản. Hướng thị trường đến hoạt động lành mạnh hơn và quyền lợi người mua nhà được bảo vệ tốt hơn.

Hoàng Nam