Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản Kiên Giang

Tin tức thị trường

2019-06-17 14:21:25

Nhằm đánh giá tổng quan tình hình phát triển TTBĐS của tỉnh trong thời gian qua để tìm giải pháp kiểm soát, quản lý và định hướng phát triển phù hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm chủ đề: “TTBĐS Kiên Giang có gì mới?”.    


PHÁT TRIỂN SỚM, ĐÚNG QUY HOẠCH


Theo đồng chí Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Kiên Giang nằm ven biển, có diện tích tự nhiên lớn, đất đô thị chiếm hơn 16% diện tích đất tự nhiên (hầu hết tập trung ở ven biển). Kiên Giang là địa phương đầu tiên của cả nước có khu đô thị mới lấn biển (từ năm 1997), đây là điều kiện giúp TTBĐS của tỉnh phát triển rất sớm.
Về phát triển TTBĐS tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 có 19 đô thị, trong đó 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa 32,2%. Về diện tích bình quân đầu người, Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 là 25m2 sàn/người. Để thực hiện mục tiêu này, Kiên Giang dự kiến xây dựng hơn 101.000 căn nhà trong giai đoạn 2017-2020, với diện tích sàn 9.640.000m2; trong đó nhà ở xã hội chiếm 8.200 căn, nhà ở thương mại 15.000 căn, nhà ở tái định cư đạt 2.000 căn... Hiện TTBĐS tại tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh ở 4 địa bàn: TP. Rạch Giá, TX. Hà Tiên, Kiên Lương và Phú Quốc với nhiều dự án khu đô thị, khu đô thị mới hiện đại, khang trang, như: Khu đô thị Phú Cường - Phú Gia, Khu dân cư An Bình - Bến xe tỉnh, Trung tâm Thương mại Rạch Sỏi, nhà ở xã hội 444 - 460 Ngô Quyền, khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc Rạch Giá (TP. Rạch Giá); Khu đô thị du lịch biển Hà Tiên, Khu đô thị lấn biển Hà Tiên, Khu du lịch sinh thái phường Đông Hồ, Khu đô thị lấn biển Nam Hà Tiên (TX. Hà Tiên)…


GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTBĐS


Theo ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Kiên Giang cần sớm xây dựng chương trình phát triển đô thị, trong đó xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện cho từng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; việc quy hoạch chung phải theo nguyên tắc phát triển đô thị đúng quy hoạch và có kế hoạch, xác định mục tiêu và lộ trình dài hạn; cần xác định các khu vực phát triển đô thị cho giai đoạn 5 năm và hàng năm nhằm phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm nguồn lực đất đai với các dự án đầu tư phát triển đô thị theo 3 hướng: Nhóm dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời; nhóm dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời và nhóm dự án Nhà nước và dân cùng làm; cần xây dựng khung pháp lý và quy định cụ thể cho sự phát triển của loại hình sản phẩm bất động sản mới như officetel, hometel, condotel; đầu tư hệ thống hạ tầng khung, kết nối dự án với các khu vực khác, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội - hạ tầng kỹ thuật...


Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và TTBĐS thuộc Bộ Xây dựng, Kiên Giang cần phủ kín quy hoạch của tỉnh, đặc biệt ở TP. Rạch Giá và Phú Quốc; xây dựng hệ thống thông tin TTBĐS minh bạch với đầy đủ thông tin; quản lý chặt chẽ hoạt động giao dịch bất động sản, đặc biệt là giao dịch đất đai; nâng cao năng lực cán bộ ở một số nơi về quản lý đất đai, tăng tính chịu trách nhiệm về lĩnh vực này... 


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Lộc nêu một số giải pháp trước mắt nhằm kiểm soát TTBĐS tại Kiên Giang thời gian tới: Cấm mọi giao dịch quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng mua bán “nóng” và thổi giá đất nền, phân lô tách thửa tràn lan... dẫn đến sốt đất ảo; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng; nghiêm cấm phân lô, bán nền trái quy định pháp luật, đặc biệt là trên đất nông nghiệp và đất rừng… Còn theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quốc Anh, tỉnh cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh bất động sản tại các sàn giao dịch và trung tâm môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu sửa đổi cơ chế phù hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; cần quan tâm chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; quan tâm phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới; từng bước nghiên cứu, triển khai áp dụng mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh… hướng đến nâng cao chất lượng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
 

Theo www.kiengiang.gov.vn