Chứng khóan, bất động sản kêu cứu tín dụng

Tin tài chính

2018-04-09 01:35:25

Tại hội thảo "Tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách", Ủy ban chứng khóan Nhà nước (UBCK) vừa có đề xuất bỏ thuế đánh vào cổ phiếu thưởng và mở rộng diện không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ của công ty chứng khoán.

 

Phó Chủ tịch UBCK, bà Vũ Thị Kim Liên đề xuất về thị trường chứng khoán tại buổi hội thảo "Tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách".
 
Thứ nhất, chính sách tiền tệ cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, theo hướng chặt chẽ, thận trọng nhưng vẫn bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Thứ hai, UBCK đề xuất NHNN không nên quy định mức tăng trưởng cho vay hoạt động chứng khoán như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà chỉ hạn chế đối với các ngân hàng không đạt các tiêu chí an toàn.
 
Theo chỉ thị 01 của NHNN, đến 30/6 các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất về 22% và đến cuối năm là 16%. Nếu không thực hiện đúng quy định, NHNN sẽ bị áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi và hạn chế mở rộng kinh doanh.
 
Thứ ba, UBCK cũng kiến nghị các cấp hoạch định chính sách cần có nhiều hỗ trợ hơn đối với thị trường chứng khoán, bởi đây là kênh phân phối và huy động vốn hiệu quả đối với các doanh nghiệp, trong đó có cả ngân hàng.
 
Thứ tư, ngoài việc miễn thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chứng khoán mà Bộ Tài chính đã kiến nghị với Thủ tướng để trình Quốc hội, UBCK kiến nghị trong khi chưa đánh thuế vào tiền lãi ngân hàng thì nên bỏ thuế 5% trên thu nhập từ cổ tức do đây là thu nhập sau thuế của doanh nghiệp.
 
Loại bỏ thuế đánh vào cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu vì thực chất đây chỉ là một hình thức chia tách cổ phiếu, không đem lại thu nhập cho cổ đông.
 
Mặt khác, cần mở rộng diện không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ tài chính hợp pháp của các công ty chứng khoán.
 
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho thị trường (xử lý các vướng mắc như vấn đề thuê đất, chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài...).

\"\"

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo chuẩn quốc tế, có thể đã lên đến 6%

Cũng tại hội thảo trên, Tổng giám đốc Dragon Capital Dominic Scriven cho biết , tỷ lệ chiết khấu của các quỹ hiện dao động từ -24% đến -44%. Điều này đồng nghĩa với việc hiện tại giá trên thị trường của chứng chỉ quỹ thấp hơn giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) từ 24-44%,
 
"Rất khó để huy động vốn mới nếu mức chiết khấu vẫn còn cao do rủi ro thanh khoản lớn", ông Dominic cho biết.

Việc gặp khó khăn trong huy động vốn và kinh tế vĩ mô bất ổn cũng khiến cho các quỹ giảm nắm giữ trái phiếu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2006, các quỹ nước ngoài nắm giữ 40% trái phiếu của Việt nam nhưng đến nay chỉ còn nắm giữ 10%.
 
Ngoài ra, ông Dominic cũng cảnh báo có thể xảy ra việc thoái vốn lớn của các quỹ nước ngoài trong thời gian tới do đến thời hạn đóng quỹ như dự báo của một số tổ chức và chuyên gia trước đó.
 
Theo quan sát của Dragon Capital, một vài quỹ sẽ được mua lại vào năm 2011, 2012. Nếu không có dòng tiền mới chảy vào, việc mua lại này sẽ gây áp lực cho thị trường.
 
Thống kê của SGI Capital trước đó, năm 2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, trong đó năm 2013 sẽ thoái vốn mạnh nhất với 31.615 tỷ đồng (tính theo giá hiện tại). Tổng cộng, có khoảng hơn 63.000 tỷ đồng có thể sẽ bị rút ra khỏi thị trường trong 4 năm tới.
 
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị đầu tư sáng 28/7 tại TP. HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tổng nợ xấu của ngành ngân hàng tính đến tháng 6/2011 vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nghĩa, tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm qua tăng lên 3,1% vào cuối tháng 6/2011, trong đó nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%. Đáng chú ý là với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ vốn các nhà băng cho vay vào khu vực này tính đến tháng 3/2011 chiếm khoảng 10,8% trong tổng dư nợ, so với Thái Lan chỉ có 6% và Malaysia là 7%. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu đối với tín dụng bất động sản ở Việt Nam đã chiếm 4% trong tổng dư nợ bất động sản.

"Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối tháng 6/2011 là 3%, nhưng nếu chiếu theo chuẩn quốc tế thì có thể là 6%", ông Nghĩa nói và cho rằng, cần thận trọng với rủi ro tín dụng bất động sản.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng thừa nhận, rủi ro lớn nhất phải kể đến là rủi ro về thanh khoản. Với cơ cấu vốn của thị trường hiện nay, phần lớn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi đó vốn ngân hàng đang đầu tư hầu hết là trung hạn. Rủi ro thứ hai trong giai đoạn hậu khủng hoảng, với cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư của DN sẽ làm cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên.

Rủi ro chéo từ chính sách tài khóa sang hệ thống ngân hàng sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua ở mức thấp, chỉ trên 7%, nhưng cũng rất khó để đẩy mạnh vốn cho vay trong những tháng cuối năm.

Vì thế, kiến nghị được đưa ra từ một số chuyên gia tài chính là cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng liều lượng hợp lý và phù hợp với chu kỳ kinh doanh; tăng cung tiền hợp lý hơn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần bác bỏ các quy định hành chính như: trần lãi suất tiền gửi; không áp dụng tăng trưởng tín dụng cào bằng 20%.

Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng hiệu lực điều tiết thị trường mở (OMO), ổn định thị trường liên ngân hàng, đảm bảo thanh khoản của ngân hàng nhỏ và từng bước giảm lãi suất, cũng như tạo đường cong lãi suất chuẩn.