Sự hòa hợp giữa nhà và đất

Xây dựng, kiến trúc

2018-07-10 02:52:48

Khi bắt tay vào xây dựng nhà, cần chú trọng đến việc tính toán sao cho ngôi nhà tương xứng với khu đất, tránh làm nhà lọt thỏm trong đất hoặc ngược lại, chiếm hết diện tích đất. Điều này liên quan chặt chẽ đến vấn đề sử dụng không gian sao cho hài hòa về quy mô, tiện ích và khí hậu để tạo nên một nơi chốn yên bình và hoàn mỹ.

Việc xác định tầm vóc của ngôi nhà như thế nào so với khu đất thực ra chỉ tương đối bởi nó phụ thuộc nhiều các yếu tố chủ quan như mức độ kỳ vọng và khả năng tài chính của gia chủ. Tuy vậy, cũng đã có một số các tiêu chí căn bản được đưa ra. Cũng đã có rất nhiều ví dụ thực tế cho thấy, nếu không căn cứ trên một số tiêu chí thì sau khi hoàn thành, công trình trở nên đối lập với toàn bộ khung cảnh và vẻ đẹp của khuôn viên xây dựng.

Đừng lo đất hẹp!

Tại các đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, khi mà tấc đất tấc vàng, mảnh đất thường dài và hẹp, chỉ thích hợp với kiểu nhà ống, thì ngôi nhà phải có tối thiểu 10 đến 20% diện tích là khoảng trống thông thoáng ( giếng trời, hành lang, cầu thang. Điều này giúp hình thành nên những miệng đối lưu không khí và đường dẫn khí luân chuyển từ ngoài vào trong và từ dưới lên trên (theo nguyên tắc khí nóng bốc lên, khí lạnh đi xuống). Nguyên tắc này thông qua những giếng trời để từ đó ngôi nhà được cân bằng khí với môi trường bên ngoài. Tạo được sự nối tiếp từ không gian từ bên ngoài vào bên trong ngôi nhà từ các không gian trống, không gian thông tầng, không gian giếng trời luôn là một yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí sử dụng cũng như mang lại chất "lãng mạn". Cần lưu ý nếu số tầng nhà càng nhiều, chiều cao nhà càng lớn thì diện tích phần đất chừa ra làm khoảng giếng trời càng cần linh hoạt mở rộng chứ không thể cố định giống như nhà thấp tầng được.

Hoành tráng đất rộng

Nếu điều kiện khu đất có diện tích đất đủ rộng như đối với các biệt thự và nhà vườn thì vấn đề xác định sự cân đối liên quan đến cách thức bố trí khuôn viên sân vườn xung quanh. Theo lý thuyết phong thuỷ, phép xem hình thế và định vị nhà trên đất luôn bắt đầu theo tiến trình định trung cung - phân vùng cát hung - khoanh vị trí xây nhà - lập nội minh đường và khuôn viên quanh nhà. Như vậy thì dù đất có rộng cỡ nào (ví dụ trang trại) vẫn hoàn toàn có thể đặt ngôi nhà không bị lọt thỏm bằng cách chọn vùng tốt của khu đất, sau đó khoanh khu vực dự định làm nhà trong vùng tốt đó. Khu vực này sẽ có khuôn viên riêng với nội minh đường của ngôi nhà, có thể làm tường rào hoặc ngăn ước lệ bằng cây xanh, hồ nước... Khi đó, dù miếng đất xây dựng bên ngoài có rộng lớn bao nhiêu thì ngôi nhà vẫn được bao bọc ở bên trong của một khuôn viên vừa phải, không bị tán khí hay lọt thỏm trong diện tích đất lớn.

Đối với đất nhà biệt thự hay nhà phố rộng khi xây dựng thường có sân trước và sân sau. Tại sân trước ta không nên chừa diện tích quá rộng quá dài (sân gấp hai đến ba lần chiều dài nhà là thuộc loại dài). Theo nguyên lý âm dương trong phong thủy thì sân trước là vùng dương, biểu lộ quan hệ đối ngoại, cần che chắn tránh "trực xung" nhưng nếu làm dài rộng quá thì sẽ quá trống trải.

Nếu mua nhà có sẵn, sân trước dài rộng thì có thể khắc phục bằng cách tạo những đường dẫn khí thông qua hệ thống cây trồng, ví dụ trồng những cây thân thẳng và cao theo khoảng cách đều (cau cảnh hay cọ), và những cây hoa có mùi thơm, màu sắc tươi vui để dẫn dắt luồng khí; tránh trồng những cây ủ rũ, gai góc hoặc lá dày quá che khuất tầm nhìn của nhà (từ trong ra cũng như từ ngoài vào).

Ngược lại khi sân trước quá nhỏ, thậm chí không đủ để đậu xe thì ngôi nhà rất dễ bị "trực xung" do ngoại cảnh gây nên. Chấn lực, bụi bặm, tiếng ồn và tầm nhìn xoi mói từ bên ngoài con đường sẽ tác động vào người cư ngụ mỗi ngày, dù ngôi nhà có thể buôn bán thuận lợi do gần đường nhưng về lâu dài không phải là nơi cư ngụ an lành. Phương án này cũng có thể gia tăng không gian kinh doanh ở tầng 2 khi đặt một thang bộ ở khoảng giữa của gian kinh doanh. Khi đó, không gian ở sẽ từ tầng ba trở lên, số lượng phòng ngủ là ba phòng, tính cả tầng áp mái.

Bên thẳng bên lệch:

Nếu diện tích khu đất tương đối rộng cho một ngôi nhà phố (chiều ngang trên 6 m), tốt nhất là chỉ nên làm ngôi nhà về một bên và chừa một phần nhỏ làm lối đi, sân cảnh hoặc các mảng trang trí. Ngôi nhà nên xây theo phần thẳng của đất, làm cơ sở để đơn giản và thuận tiện về kết cấu. Phần trồi sụt còn lại khi đó là diện tích trống có tính chất trang trí bổ sung. Như vậy, phần diện tích chính bên trong nhà luôn vuông vức ngay ngắn hai bên trái phải (phong thủy gọi là thanh long và bạch hổ). Việc trang trí có thể dùng thêm cây xanh và đặt đèn vào các góc bị khuất để gia tăng sinh khí.

Đất hình chữ L: Với trường hợp đất chữ L mà nở hậu, bạn có thể bố trí theo cách dành khoảng trống được dùng làm sân nước phía trước và thông thoáng cho phòng ngủ bên trên. Hoặc ngôi nhà có sân giữa với hai phần trước, sau rõ rệt. Sân này cũng đóng vai trò thông thoáng và dẫn khí cho các phòng ở giữa. Còn trường hợp khi nhà hẹp không đủ chiều sâu, nên đặt cầu thang ngay vị trí nở hậu. Nói chung, theo cách nào cũng nên xử lý vuông vức tại chỗ bị giật cấp.

Chữ L tóp hậu: Nên biến phần sau tóp hậu ấy thành không gian phụ, chẳng hạn như cầu thang, nhà vệ sinh, sân trời... nếu phần này không chiếm tỷ lệ lớn trong nhà. Khi gặp trường hợp đất chữ L mà phần chính của ngôi nhà ở phía sau thì phía trước dùng làm sân cảnh, chỗ để xe trước khi vào nhà.

Theo_Nhà Đẹp