Xuất khẩu bất động sản

Tin tức thị trường

2018-04-09 01:35:24

Đó là một khái niệm tưởng như rất lạ được ông Huỳnh Anh Dũng - Giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia BĐS Hoa Kỳ nêu ra tại cuộc Tọa đàm “khả năng hồi phục của thị trường BĐS” do Báo Đầu tư tổ chức sáng qua (9/5)

Nói “tưởng như”, bởi đó chỉ là cách gọi khác của đề xuất nới rộng chủ trương cho phép người nước ngoài và Việt kiều được phép mua bán, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ông Dũng tha thiết đề nghị với tư cách một trong hàng trăm ngàn Việt kiều tuổi trung niên muốn “lá rụng về cội”, còn GS. TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư lại coi đó là một giải pháp quan trọng để “cởi mở” hóa môi trường đầu tư, cũng như tạo ra những cú huých trực tiếp vào sức cầu đang cực kỳ thấp của thị trường BĐS. Ông Mại nêu lên một bất hợp lý, tại sao chúng ta sẵn lòng cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, chuyển nhượng, sở hữu với thời gian rất dài những khách sạn năm sao, những khu resort rộng cả chục héc-ta với giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD, mà lại “lăn tăn” trong việc cho phép chính những đối tượng này sở hữu một căn hộ hay chung cư vài trăm ngàn USD? Những cơ chế mà ông Mại gọi tên một cách gay gắt là “theo kiểu hàng xén” như hạn chế đối tượng mua nhà rồi nay mở một chút, mai nới một chút sẽ khiến cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng không biết đâu mà lường.

Sự minh bạch và có thể đoán định của chính sách cũng như nền tảng thông tin thị trường cũng là điều được hầu hết các diễn giả tại cuộc tọa đàm coi là yếu tố mấu chốt để “cứu” thị trường BĐS, nếu có thể gọi tên các hoạt động hỗ trợ là “cứu giúp”. Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi, giá BĐS liệu đã đến đáy, lượng tồn kho tính theo tiêu chí nào? Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà - Bộ Xây dựng trả lời, riêng số căn hộ chung cư tồn kho, Bộ Xây dựng vừa rà soát lại thì đã tăng lên 20%, tức 7.000 căn. Trong khi GS. Nguyễn Mại nhận định, nợ xấu chỉ là cái ngọn, cái gốc cần minh bạch hóa là sự “liên minh” giữa ngân hàng và các DN phát triển BĐS trước đây đã tạo nền tảng cho một tư duy đầu tư trên trời; thì theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, ngay con số nợ xấu nói chung và nợ xấu BĐS nói riêng hiện không chỉ đưa thị trường vào “mê hồn trận” mà còn khiến “ngay cả người đứng đầu ngành tài chính cũng từng phải thắc mắc”. Có lẽ cũng chính vì thế, đại diện Gamuda Land Vietnam đã phải đề xuất xây dựng một chỉ số ngành và các phân ngành BĐS như… chỉ số chứng khoán để thị trường không “tự phát” như hiện nay.

Rõ ràng, khi nền tảng thông tin không có hoặc quá thiếu chính xác, nhà quản lý cũng không thể đưa ra những quyết sách đúng và trúng, đồng thời nhà đầu tư và người tiêu dùng chỉ có thể có những quyết định tù mù theo kiểu… “chim chích vào rừng”!

Để thị trường và nói rộng ra cả nền kinh tế khởi tạo một chu kỳ phát triển mới, thời gian có thể là vô chừng tùy vào sự quyết liệt của “bàn tay hữu hình” Nhà nước và sự tự điều chỉnh bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Đồng thời, đây đó đã phát đi những tín hiệu vui như khách hàng với nhu cầu thật đã tăng mua trong 2 quý gần đây, hoặc nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hấp dẫn bởi tiềm năng thị trường Việt Nam… Nhưng như ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefild nhận định, không thể có phương pháp thần kỳ giải quyết ngay lập tức tất cả và điều đầu tiên cần làm là phải lấy lại lòng tin từ sự “minh bạch hóa” các vấn đề đang diễn ra.

Với tư duy ấy, có lẽ đẩy mạnh “xuất khẩu bất động sản” như mong muốn của ông Dũng cũng chính là một trong những giải pháp… nhập khẩu lòng tin thị trường.

Người quan sát (Đầu tư chứng khoán)