Tiến sĩ Cấn Văn Lực: 'Kiên Giang có thêm trọng điểm bất động sản mới'

Tin tức thị trường

2019-07-25 04:02:55

Theo chuyên gia, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đang trở thành khu vực đón sự chuyển dịch dòng vốn bất động sản từ TP HCM sang các tỉnh Tây Nam Bộ.

 

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thị trường bất động sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?

 

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong hai vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội của cả nước. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của khu vực đạt 7,8% (cao hơn bình quân cả nước là 7,08%). Đây cũng là trung tâm dịch vụ, du lịch lớn.

 

Với bất động sản, khu vực còn nhiều dư địa phát triển. Cụ thể, bất động sản du lịch chưa khai thác hết tiềm năng và cần phải có quy hoạch lại. Bất động sản công nghiệp còn thiếu, các doanh nghiệp muốn thuê địa điểm cho nhà máy, công xưởng còn rất khó khăn. 

 

Thị trường nhà ở cho thấy nhu cầu của người dân ngày một tăng. Trong khi TP HCM đang rà soát, kiểm soát phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm thành phố, cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư dãn sang những địa bàn lân cận, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

 

Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng khai thác hạ tầng giao thông, tăng liên kết khu vực là nền tảng quan trọng cho bất động sản vùng phát triển. 

 

- Theo ông, điểm mấu chốt trong việc thu hút vốn bất động sản đổ về các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là gì?

 

- Theo tôi, có 3 lực hút vốn đầu tư bất động sản về Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thứ nhất, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này còn rất lớn. Vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn vào đây.

 

Thứ hai, kinh tế - xã hội phát triển tốt sẽ có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản cũng phát triển. Ngược lại, nếu như thị trường bất động sản phát triển tốt đương nhiên có đóng góp quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng.

 

Cơ sở hạ tầng luôn là động lực phát triển nếu được quan tâm qui hoạch, đầu tư và có thể là điểm nghẽn cho phát triển nếu không được quan tâm đầu tư thích đáng. 

 

Tôi lấy ví dụ việc cầu Vàm Cống thông xe ngày 19/5 vừa qua là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa. Đây là một trong những cây cầu huyết mạch thúc đẩy việc đi lại, giao thông, giao thương của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chấm dứt tình trạng di chuyển qua phà, góp phần nâng tầm phát triển cho khu vực này.

 

Thứ ba, Nhà nước rất quan tâm phát triển khu vực này. Nhất là trong bối cảnh chúng ta cần khai thác tốt hơn tiềm năng, phát triển nhanh và bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

- Ông nhận định thế nào về xu hướng dịch chuyển đầu tư địa ốc từ TP HCM về các khu vực vùng ven? 

Đây là xu hướng tất yếu. TP HCM đang thực hiện rà soát các dự án bất động sản và không cấp phép xây dựng các dự án mới tại khu vực trung tâm do quá tải. Việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ TP HCM sang các tỉnh vùng ven, lân cận đã xảy ra từ mấy năm nay rồi.

 

Bất động sản lân cận, vùng ven sẽ có nhiều cơ hội để đón lõng, phát triển. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đón nhận nhiều dự án nhờ có một hệ thống giao thông kết nối rộng mở, bán kính không quá xa. 

 

- Tỉnh nào trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế đón nhận sự chuyển dịch này, thưa ông?

 

Các tỉnh trong khu vực đều có những cơ hội, lợi thế nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian qua Kiên Giang đã phát huy tốt vai trò là một trong 4 tỉnh trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 7,13%, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện nay khoảng 2.100 USD.

 

Kinh tế biển chiếm đến gần 74% GDP của tỉnh. Kiên Giang cũng sớm chứng minh tiềm năng khi hình thành các khu đô thị được chỉnh trang và quy hoạch theo hướng hiện đại, như đô thị Phú Quốc, đô thị Rạch Giá.

 

Thành phố Rạch Giá: Vùng trọng điểm BĐS mới tỉnh Kiên Giang

Một trong những điểm nút giao thông mới tại thành phố Rạch Giá.

 

Riêng về bất động sản, hoạt động của thị trường không chỉ phát triển mạnh ở Phú Quốc mà còn diễn ra ở nhiều địa bàn khác trong đó có Rạch Giá. Có thể nói Rạch Giá có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai với 3 lý do chính sau.

 

Thứ nhất, Rạch Giá sở hữu nhiều nhánh sông, bờ biển dài đẹp bao bọc, là cửa ngõ phía tây nam hướng ra vịnh Thái Lan. Thành phố đóng vai trò quan trọng trong giao thông, giao thương của tỉnh và các địa phương trong khu vực.

 

Thứ hai, tiềm năng du lịch của thành phố này cũng tương đối lớn, khi đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí lý tưởng để phát triển du lịch. Hơn nữa, Rạch Giá là cầu nối giữa vùng du lịch sông nước Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch biển Phú Quốc và nằm trong tổng thể phát triển du lịch biển, du lịch tâm linh của tỉnh.

 

Thứ ba, cơ sở hạ tầng tại Rạch Giá được quan tâm, cải thiện. Bên cạnh sân bay Phú Quốc, sân bay Rạch Giá thời gian tới cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp. Trong tương lai, sẽ phát triển các tuyến hành lang quan trọng như đường Hồ Chí Minh, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Nhiều nhà đầu tư lớn như Trường Hải đã đầu tư tại đây.

 

- Trong nhiều dự án đang triển khai tại Rạch Giá ông quan tâm đến công trình nào?

 

- Phú Cường là dự án lấn biển, mô hình khu đô thị kiểu mẫu. Tôi đánh giá cao sự mạnh dạn của chủ đầu tư. Họ đã xây dựng một dự án mang lại điểm nhấn, đột phá về đầu tư nhà ở, dịch vụ, du lịch theo tính chất hiện đại của thành phố Rạch Giá. Chủ đầu tư tính toán xây dựng dự án có tính lâu dài theo nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là nhu cầu đô thị hoá, nhu cầu giãn từ TP HCM sang vùng lân cận.

 

Bên cạnh đó, dự án đáp ứng tốt tiềm năng phát triển của Rạch Giá, nhất là trong vấn đề phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch và đầu tư như nêu trên. Người nước ngoài sẽ thích tới sống tại khu vực này vì gần biển, môi trường sống trong lành, có quy hoạch, an ninh an toàn, và dịch vụ tương đối khép kín.

 

Nếu chủ đầu tư quan tâm đến khâu quản lý khu đô thị theo hướng chuyên nghiệp, thì đây sẽ là dự án kiểu mẫu, đóng góp lớn vào thay đổi diện mạo thành phố. 

 

Thành Dương/ Vnexpress