Thuận lợi và khó khăn của thị trường bất động sản đầu năm

Tin tức thị trường

2020-04-08 01:30:31

Thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ để phát triển ổn định.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường quý I trong giai đoạn vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng nguồn cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tình trạng này là do các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển bất động sản chưa được đưa vào áp dụng triệt để, khiến nguồn cung ra thị trường tiếp tục khan hiếm.

Cùng với đó, thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ 1/1 đã kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án ở phân khúc cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay mức lớn cho nhiều dự án.

Ba tháng đầu năm cũng chịu tác động từ đợi nghỉ Tết Canh Tý cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, gặp gỡ, tụ tập đông người, tạm ngưng cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam, dẫn đến hiện tượng "ngủ đông" của hầu hết hoạt động trên thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố thuận lợi giúp các nhà đầu tư có niềm tin vào thị trường.

Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc của Luật trong thủ tục dành cho phát triển dự án bất động sản tại các địa phương. Theo đó, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất khi thực hiện dự án.

Thông tư số 21/2019-TT-XD về quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây. Theo đó, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2 đối với dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản hướng đẫn về việc sử dụng đất và cấp sổ cho công trình xây dựng không phải nhà ở như condotel, officetel, hometel...

Đặc biệt, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh thiệt hại từ dịch bệnh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn thuế đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dich.

Thủ tướng cũng yêu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Tính đến hết quý I, mặc dù thị trường trầm lắng song giá bán không có dấu hiệu sụt giảm do với quý IV/2019 và chưa có doanh nghiệp công bố chính sách giảm giá bán.