Khép kín đường ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang

Tin tức thị trường

2020-11-27 00:48:35

(PLO)- Bộ KH&ĐT cho hay dự thảo quy hoạch ĐBSCL lần này có nhiều điểm mới mà trước đây chưa từng đề cập đến.

 

Ngày 26-11, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP Cần Thơ.

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên và cũng là bản quy hoạch đầu tiên được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, là bản quy hoạch đầu tiên triển khai theo Luật Quy hoạch.

 

Cứ yên tâm, lần này chúng ta làm quy hoạch khác những lần khác là chúng ta đã bố trí ngay nguồn lực để làm những gì chúng ta muốn, cơ cấu lại cái gì, sắp xếp lại cái gì, ưu tiên cái gì cũng đã có. Hy vọng chúng ta sẽ có quy hoạch chất lượng, có nguồn lực triển khai được quy hoạch này và giữ được quy hoạch này cho ĐBSCL có cơ sở để phát triển nhanh, bền vững và bứt phá trong giai đoạn tới.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG 

 

 

Tư vấn đưa ra nhiều cách tiếp cận mới

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Với ĐBSCL, mọi người đều hiểu rõ tiềm năng, cơ hội, thách thức vì đã được bàn rất nhiều. Vấn đề là giải bài toán ĐBSCL như thế nào, bước đi thế nào để phát triển bền vững, đi thế nào để đảm bảo quy hoạch và nguồn lực ở đâu để thực hiện.

 

Theo ông Dũng, trong bản dự thảo quy hoạch ĐBSCL lần này, đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều điểm mới chưa từng nói đến. Điển hình như việc lùi vùng nước ngọt vào trong, tạo ra khoảng giữa là nước lợ, còn lại là nước mặn, tức là đã thuận thiên. Cách tiếp cận như vậy là có cơ sở. Cạnh đó là phát triển các vùng tập trung, tạo ra các hành lang kinh tế.

 

Ông Dũng dẫn ví dụ: Dân cư ĐBSCL chủ yếu sinh sống phân bổ dọc sông và kênh rạch, mà phân bổ không tập trung như thế thì không có cách nào đầu tư được hạ tầng cho đều được. Như thế thì không thể là nguồn lực hay động lực được. Nếu tập trung dân vào một khu nào thì rất khó. Phương án tư vấn đưa ra là vùng nào dân cư tập trung đông thì tập trung đầu tư cho khu đó để nó trở thành trung tâm, động lực” - ông Dũng phân tích.

 

Về nông nghiệp, ông Dũng cho rằng ngoài xác định nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả cao thì phải là nông nghiệp hữu cơ. Bởi nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế bắt buộc, phải chuyển nhanh qua hướng này, càng đi nhanh càng tốt.

 

Khép kín đường ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang  - ảnh 1
Trong nhiều quy hoạch và nghị quyết đã có trước đây, TP Cần Thơ luôn được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng ĐBSCL. 
Ảnh: CHÂU ANH

 

Giao thông là một trong ba ưu tiên

 

Theo bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cả vùng ĐBSCL có ba vấn đề ưu tiên là hạ tầng giao thông, nước và sạt lở bờ sông bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, về hạ tầng giao thông, ông Dũng cho biết Bộ KH&ĐT đã bàn với Bộ GTVT và đã bố trí đủ vốn để Bộ GTVT làm toàn bộ đường cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ (đang làm và sắp hoàn thành). Cao tốc từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau có hai đoạn sẽ làm và phải xong trong giai đoạn 2021-2025.

 

“Xin báo với hội nghị là cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau chúng tôi cũng quyết tâm làm xong trong nhiệm kỳ năm năm tới (2025). Cái này tôi đã phát biểu trên Quốc hội rồi và sẽ phải làm bằng được, dù đầu tư theo PPP, BOT hay ngân sách cũng phải làm được. Chúng ta không thể chậm hơn nữa. Chúng ta đã giải phóng đến nay 45 năm mà không làm nổi 1.700 km đường cao tốc Bắc - Nam thì không thể phát triển được” - ông Dũng cho hay.

 

Cạnh đó, ông Dũng cũng thông tin một số tuyến giao thông trục ngang, trục dọc thuộc quản lý của Bộ GTVT cũng đã được đưa vào kế hoạch và bố trí nguồn vốn để làm.

 

Về đề xuất đường ven biển, Bộ trưởng Dũng cho biết tuyến đường sẽ tiếp cận theo một cách khác, không chỉ về mặt giao thông đơn thuần. Nó phải trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

 

“Thứ nhất là sắp xếp lại dân cư của toàn bộ vùng ven biển. Thứ hai là mở ra không gian hướng biển, một không gian phát triển kinh tế biển và hướng biển. Phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị… Tuyến này sát biển hay lùi vào là tùy hướng tuyến. Có đoạn làm đô thị thì phải mở rộng ra, có đoạn không cần thì thu hẹp lại. Có đoạn phải kết hợp cả đê ngăn mặn, có đoạn phải làm cống để tiêu thoát lũ. Tóm lại, đó là một công trình đa mục tiêu và mang lại nhiều lợi ích” - ông Dũng nêu. 

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết quy hoạch sẽ cố gắng khép kín cho ĐBSCL đường ven biển từ Tiền Giang (biển Đông) đến Kiên Giang (biển Tây).

 

Về nguồn lực thực hiện thì Bộ trưởng Dũng cho biết: Có hai nguồn lực là ngân sách trung ương hỗ trợ các dự án liên kết vùng khoảng 17.000 tỉ đồng cho các tỉnh. Nguồn thứ hai là vay của WB tăng thêm cho ĐBSCL khoảng 24.600 tỉ đồng. Hai nguồn này khoảng 40.000 tỉ đồng để thực hiện những dự án như đường ven biển, hồ lớn, đường kết nối vùng, liên tỉnh…•

 

 Giải quyết tốt giao thông, ĐBSCL sẽ cất cánh

 

Để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, tôi xin đề xuất một số vấn đề. Cụ thể, về giao thông, tôi thống nhất các quan điểm chung về quy hoạch như bộ trưởng đã nói. Trong đó, tôi tâm đắc với quan điểm cuối cùng về đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu, vì có đường là có phát triển. Cho nên quan điểm này rất phù hợp, rất trúng điểm nghẽn mà tôi nói. Nếu giải quyết tốt vấn đề giao thông thì chắc chắn ĐBSCL sẽ cất cánh trong thời gian tới.

Tôi đề nghị quan tâm nhất là cao tốc từ TP.HCM đi Cà Mau hơn 300 km. Thứ hai là đường ven biển phía đông vì đường này quan trọng, nó mở ra hành lang kinh tế ven biển của các tỉnh phía đông. Đường này cũng quan trọng về biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng.

 

Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Bí thư Tỉnh ủy Long An



Phải xác định đô thị trung tâm của vùng

 

Về mô hình định hướng phát triển đô thị, ĐBSCL có độc lập hay tương tác? Quan điểm của tôi, từ tương tác ở đây là phụ thuộc nhiều. Miền Tây có hai địa phương là Long An và Tiền Giang chắc chắn là một bộ phận cấu thành của không gian kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, các tỉnh còn lại, đặc biệt là các tỉnh phía nam sông Hậu thì có sự độc lập nhất định. ĐBSCL xuất khẩu 95% sản lượng gạo, 70% trái cây và 60% thủy sản so với cả nước, đủ thấy sản phẩm miền Tây không chỉ cung cấp cho thị trường miền Đông mà còn cho thị trường quốc tế và chiếm một tỉ trọng rất lớn. Cho nên tính độc lập của các địa phương nam sông Hậu là rất rõ.

 

Như Cần Thơ, BV Cần Thơ đáp ứng 60% người dân ở các địa phương về đây. Sân bay Cần Thơ trước dịch COVID-19 đã mở rất nhiều tuyến đi quốc tế. Nếu chúng ta tiếp tục dồn về miền Đông, tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng về miền Đông thì chắc chắn có làm gì thì miền Đông và TP.HCM cũng không tải nổi.


Cho nên tôi đề nghị quy hoạch phải xác định và kết luận cho rõ đô thị trung tâm của vùng chứ nếu cứ phân tán và chỉ phục vụ và cung cấp cho miền Đông thì không phù hợp sự phát triển.

 

Về lâu dài thì vùng phải có cảng nước sâu quốc tế. Đồng thời phải làm sao để có luồng vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa của vùng, chứ một tấn gạo chở lên cảng Cát Lái mất 10 USD tiền phí thì nông dân không còn lãi gì từ sản xuất nông nghiệp nữa.

 

Ông LÊ QUANG MẠNH, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ

 

NHẪN NAM - CHÂU ANH