Doanh nghiệp kêu cứu vì giá thuê đất tăng

Tin tức thị trường

2019-05-24 00:58:45

Giá thuê đất tăng đột biến khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, nhiều dự án phải ngừng triển khai, không đầu tư sản phẩm mới.

 

Giá thuê đất tăng chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn

 

Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, chủ đầu tư Khu du lịch Gió Biển cho biết, việc giá thuê đất tăng “chóng mặt” khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

 

Tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

 

Cụ thể, nếu năm 2014, công ty nộp tiền thuê đất 440 triệu đồng, năm 2015 lên hơn 1,3 tỷ đồng thì đến năm 2016, công ty phải nộp 7,8 tỷ đồng (tăng hơn 18 lần so với năm 2013). Hiện, trong 32.000m2 đất thuê của KDL Gió Biển có hơn 11.000m2 là không gian công cộng không thu phí. Vì vậy, công ty này cho rằng việc tính tiền thuê đất toàn bộ diện tích như năm 2016 là chưa hợp lý.

 

“Tiền thuê đất của doanh nghiệp mỗi năm tăng khoảng 15% là hợp lý chứ như hiện nay thì doanh nghiệp không gánh nổi” – ông Dũng ngao ngán.

 

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Giám đốc Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười phản ánh từ năm 2013 đến nay, giá thuê đất tại doanh nghiệp này đã 2 lần tăng. Cụ thể, năm 2013-2014, tăng 1,9 lần so với trước năm 2013, tương đương với mức tăng 1,163 tỷ đồng/năm. Năm 2015, tăng tiếp 7,37 lần, tương đương 8,6 tỷ đồng/năm. Biên độ tăng giá như vậy là không hợp lý, gây sửng sốt cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

 

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Công ty Bao bì Hưng Phát thừa nhận, chỉ trong vòng 3 năm từ 2015 đến 2017 giá thuê đất đã tăng từ 3 đến 4 lần. Thậm chí nhiều nơi tăng từ 5 đến 7 lần, trở thành gánh nặng của doanh nghiệp.

 

"Việc bắt doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất của vài năm trong một lúc khiến cho doanh nghiệp không thể xoay sở được vì số tiền truy thu thậm chí chiếm đến nửa số vốn hiện có của doanh nghiệp. Trong thời điểm doanh nghiệp còn chồng chất khó khăn như hiện nay, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách miễn phạt nộp chậm và giãn nộp tiền truy thu từ 2- 3 năm" - ông Chiến cho biết.

 

Chưa hợp lý

 

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội thừa nhận đã nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh việc tiền thuê đất tăng như hiện nay là chưa hợp lý. Bởi nhiều doanh nghiệp thời điểm này đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi hàng tồn kho cao, dự án làm ra không bán được, trong khi chi phí giải phóng mặt bằng đã tính theo giá thị trường.

 

Đơn cử, dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm du lịch quốc tế Dragon Sea của Công ty TNHH Sky Brigde Dragon Sea (Hoa Kỳ) tại Chí Linh, TP.Vũng Tàu. Dự án này có vốn đầu tư 900 triệu USD, được cấp giấy phép năm 2010 với giá thuê đất 50 năm trả một lần và được tính 350 tỷ đồng. Tuy nhiên khi Công ty chuyển trả tiền thuê đất và triển khai công trình thì giá đất tăng lên 1.750 tỷ đồng (tăng 5 lần). Hay như dự án Saigon Atlantis của Công ty TNHH Winwest Investment Hoa Kỳ có vốn đầu tư 4 tỷ USD, mặc dù nhà đầu tư đã ứng trước một phần tiền thuê đất nhưng vẫn bị tính theo giá mới…

 

Một số DN đã hoạt động ổn định hàng chục năm qua cũng không dám nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới vì giá thuê đất tăng quá cao.

 

Điển hình như Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó GĐ Công ty cho biết: Trước đây, đại hội đồng cổ đông năm 2014 đã thống nhất đầu tư Dự án Khu khách sạn Resort Tháng Mười tiêu chuẩn 4 sao với số vốn khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào năm 2015, khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu về việc tạm nộp tiền thuê đất, trong đó số tiền này đã tăng lên đến 7,37 lần. Vì vậy, đại hội đồng cổ đông năm 2016 đã quyết định dừng dự án này bởi dự án đã không còn khả năng sinh lợi nữa...

 

Chưa kể, chính sách tài chính về đất đai (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) hiện hành đang thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các quy định này áp dụng chung để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất cả trong và ngoài các khu này mà chưa tính đến các yếu tố đặc thù.

 

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, khu kinh tế, khu công nghệ cao được xác định hưởng mức ưu đãi đầu tư như địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nghĩa là các dự án đầu tư  vào các khu này phải được hưởng mức ưu đãi cao hơn dự án đầu tư ở bên ngoài.

 

 

THIÊN BÌNH