Trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết, theo ông Nguyễn Minh Hạnh - Ban Phân tích (Công ty CP Chứng khoán Dầu khí), Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) và Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR) sẽ gặp khó khăn nhiều nhất. Tính bình quân, trong nhóm 10 công ty bất động sản đứng đầu trên thị trường chứng khoán thì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân là 76,8%, trong đó tỷ lệ nợ vay khá lớn là SCR (166%), PDR (112%), Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) 117,4%, Công ty địa ốc Hoàng Quân (70,8%)... “Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay lớn thường tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Hạnh cảnh báo.
là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp BĐS ngập trong nợ nần.
Ảnh: TNLinh.
Ngập trong nợ nần
Trong phân tích về triển vọng cổ phiếu bất động sản năm 2011, ông Hạnh cho rằng, những khó khăn ở thị trường bất động sản TP HCM trên tất cả các phân khúc đã tạo áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản phía Nam, đặc biệt là các công ty kinh doanh chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư.
Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2011 của PDR cho thấy, hiện công ty này đang nợ khoảng hơn 2.642 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.414 tỷ đồng. Đến hết tháng 3, tổng giá trị “hàng tồn kho” (bất động sản) của PDR lên tới gần 3.386 tỷ đồng, gồm 5 dự án: The EveRich II, The EveRich III, Nhà Bè, Long Thạnh Mỹ và dự án Phan Đình Phùng - Quảng Ngãi. Trong đó, chỉ riêng The EveRich II, đang triển khai giai đoạn 1, tổng giá trị “hàng tồn kho” lên đến hơn 1.900 tỷ đồng.
Còn SCR, mặc dù tổng tài sản tính đến cuối tháng 3 hơn 7.638 tỷ đồng và nguồn vốn chủ sở hữu hơn 2.240 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả lên đến 5.370 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến công ty này gánh một khoản nợ khá lớn cũng bởi đang ôm một lượng “hàng tồn kho” lên đến hơn 2.458 tỷ đồng. Hay Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vẫn được xem là một “đại gia” trong làng bất động sản Việt Nam, hiện số căn hộ “tồn kho” có giá trị lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), số nợ lên đến hơn 1.868 tỷ đồng. Hiện số hàng “tồn” của BCI cũng lên đến hơn 2.150 tỷ đồng.
Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lâm vào cảnh nợ nần, trong khi vẫn ôm một lượng lớn căn hộ “tồn kho” không bán được, điều này đã khiến các doanh nghiệp địa ốc khó càng thêm khó.
Cơ hội thanh lọc
Thực tế cho thấy, các doanh nghiêpk càng lớn thì nợ vay càng nhiều, vượt xa vốn chủ sở hữu. Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP HCM thừa nhận, bất động sản đặc thù là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và mất rất nhiều thời gian (thường kéo dài 3 – 5 năm mới hoàn tất), nhưng vốn thực có của chủ đầu tư thường chiếm tỷ trọng ít hơn vốn vay ngân hàng.
Điều đáng lo nhất hiện nay là việc các doanh nghiệp địa ốc khó giải phóng được hàng khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, khả năng tiêu thụ hàng chục ngàn căn hộ xem chừng là nhiệm vụ bất khả thi. Theo dự báo của ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức, thị trường sẽ còn khó khăn hơn khi chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đang vào giai đoạn quyết liệt. Không chỉ doanh nghiệp, phía người mua nhà cũng rơi vào thế bí khi không thể tiếp cận tín dụng. Nếu vay được cũng phải gồng lưng gánh lãi suất cao ngất ngưỡng, dù nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM: “Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp có thể vay vốn kinh doanh theo kiểu lấy nợ nuôi nợ. Nhưng thị trường khó khăn, doanh nghiệp không thể tư duy mãi theo kiểu tay không bắt giặc được”. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thị trường khó khăn là cơ hội để thanh lọc những doanh nghiệp không đủ bản lĩnh khỏi cuộc chơi.
Theo Đất Việt