4 lưu ý khi sang nhượng cửa hàng

Tin tức thị trường

2019-12-27 04:29:40

Tìm thuê mặt bằng kinh doanh với giá tốt tại các thành phố lớn vốn không dễ dàng. Vì vậy, nhiều người chọn hình thức sang nhượng cửa hàng nhằm tiết kiệm công sức, thời gian lại tận dụng được cơ sở vật chất và lượng khách hàng cũ. Tuy nhiên, người thuê cần lưu ý 4 điều dưới đây để tránh một số phiền toái khi nhận sang nhượng cửa hàng:

 

1. Tìm hiểu lý do chủ cũ sang nhượng

Thông thường có 2 lý do khiến chủ cửa hàng muốn sang nhượng mặt bằng kinh doanh:

 

Lý do thứ nhất là họ chuyển đổi nơi ở hoặc gặp biến cố về tài chính nên cần nhượng lại cửa hàng gấp. Khi đó, bạn có thể nhận sang nhượng mặt bằng với giá hấp dẫn mà quên mất việc phải xác minh thông tin. Không loại trừ trường hợp chủ cũ sang nhượng gấp cửa hàng để trốn nợ và khi chủ nợ đến quán quấy phá thì chủ mới sẽ là người chịu thiệt hại.  

 

Lý do thứ hai là công việc kinh doanh không tốt nên họ buộc phải chuyển đi. Trong trường hợp này, bạn lưu ý phải tìm hiểu kỹ xem họ kinh doanh không tốt vì những yếu tố nào, nếu liên quan đến vấn đề mặt bằng (địa điểm ít người qua lại, không thuận tiện dừng đỗ xe…) thì nên cân nhắc lại việc sang nhượng, vì sau này bạn cũng rất khó để kinh doanh hiệu quả.

 

Để tìm hiểu lý do sang nhượng cửa hàng, bạn có thể hỏi trực tiếp chủ cũ khi đến xem mặt bằng, hoặc lân la hỏi hàng xóm xung quanh. Qua đó đánh giá về khả năng kinh doanh tại cửa hàng sang nhượng, tính khả thi và an toàn khi nhận sang nhượng mặt bằng tại đây.

 

5 người ngồi xung quanh chiếc bàn để thảo luận với nhau, trên bàn có điện thoại và máy tính
Cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng sang nhượng cửa hàng.

 

2. Xác định chủ thể chuyển nhượng cửa hàng

Cần làm rõ thông tin của người chuyển nhượng cửa hàng cho bạn xem họ là chủ sở hữu mặt bằng hay chỉ là người thuê mặt bằng rồi cho thuê lại. Nếu là chủ sở hữu thì có thể an tâm, nhưng nếu chỉ là người thuê mặt bằng thì bạn cần phải suy xét kỹ hơn. Hãy yêu cầu người đó cung cấp đầy đủ giấy tờ trong hợp đồng thuê mặt bằng của họ và chủ sở hữu để đảm bảo rằng thời hạn sử dụng còn dài lâu và người sang nhượng được phép chuyển quyền kinh doanh.

Một số loại giấy tờ cơ bản mà bạn phải yêu cầu bên sang nhượng cửa hàng cung cấp bao gồm: hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh đã được công chứng và có chữ ký của chủ nhà và người thuê, giấy đăng ký kinh doanh có chứng nhận của cơ quan Nhà nước, giấy chứng nhận hình thức kinh doanh...

 

Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng người sang nhượng lại cửa hàng không sang nhượng lại cho nhiều người khác nếu không bạn sẽ dễ bị lừa khi giao tiền chuyển quyền kinh doanh. Bạn cũng cần phải xem xét cửa hàng được sang nhượng thuộc hình thức kinh doanh nào (kinh doanh hộ cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty...) để có những thủ tục pháp lý phù hợp.

 

3. Kiểm tra cơ sở vật chất, định giá sang nhượng

Thông thường khi sang nhượng cửa hàng sẽ có kèm luôn cả tài sản vật chất. Tuy nhiên giao dịch này vẫn cần có các thỏa thuận kỹ về những vật dụng, đồ đạc để lại trong quá trình sang nhượng, tính giá hay không, nếu tính thì tính như thế nào và có biên bản liệt kê chi tiết kèm theo với hợp đồng khi ký kết.

 

Điều đó có nghĩa, việc định giá sang nhượng cửa hàng sẽ liên quan đến các yếu tố như hệ thống an ninh sẵn có, hàng hóa thanh lý, máy móc thiết bị, tên thương hiệu… Bạn cần phải xem xét kỹ và đánh giá chất lượng cũ, mới, khả năng tái sử dụng của những cơ sở vật chất đó để quyết định xem có mua thanh lý hay không, nếu mua thì mức giá như thế nào.

 

Lưu ý với những cửa hàng sử dụng điện, nước nhiều và thường xuyên như cửa hàng giặt là, cửa hàng sửa chữa…, bạn nên chắc chắn rằng họ đã thanh toán các chi phi duy trì và phí dịch vụ khác trước khi chuyển đi. Vì nếu lơ là chi phí này, bạn sẽ thiệt hại một khoản khá lớn khi thanh toán vào cuối tháng. Trường hợp họ quên hoặc chuyển đi khi chưa đến hạn thanh toán, bạn có thể đề xuất việc thanh toán hộ và nhận tiền trước để đảm bảo không xảy ra tranh cãi sau này.

 

4. Xem xét kỹ hợp đồng sang nhượng

 

1 bàn tay cầm bút, 1 bàn tay chỉ vào tờ giấy trên bàn
Đọc ký hợp đồng sang nhượng để tránh xảy ra sự cố ngoài mong muốn.

 

Hợp đồng sang nhượng cửa hàng phải đảm bảo có đủ các thông tin như: Đối tượng chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, các loại tài sản hữu hình và vô hình hiện có, những quy định, điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên, thời hạn sang nhượng trong bao lâu, chi phí sang nhượng là bao nhiêu… Lưu ý những điều khoản này càng chi tiết càng tốt bởi nó sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của bạn một cách tốt nhất.

 

Để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, bạn đừng quên đưa vào điều khoản về việc chấm dứt hợp đồng, giải quyết vi phạm hợp đồng, phạt hợp đồng khi một trong 2 bên không tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết. Hợp đồng ký kết phải có chữ ký của 2 bên và nên được công chứng để đảm bảo hơn về giá trị pháp lý khi chuyển nhượng cửa hàng.

 

Theo Thanhnienviet.vn